Sau 4 năm nỗ lực bảo tồn Chà vá chân nâu với nhiều chương trình kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, GreenViet kỳ vọng về sự sinh trưởng cũng như biến động quần thể theo chiều hướng tích cực của loài thú linh trưởng quý hiếm này tại Đà Nẵng.
Nằm trong khuôn khổ dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam”, GreenViet triển khai lại khảo sát quần thể Voọc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà để cập nhật số liệu và so sánh, đánh giá về phân bố, số lượng và sự phát triển của quần thể.
Khảo sát được thực hiện trong Quý II/2021 với cùng một phương pháp như đã từng thực hiện 4 năm trước. Các số liệu thu thập sẽ được tính toán và so sánh đánh giá với kết quả của nghiên cứu cũ. Theo báo cáo được thực hiện vào năm 2016, có khoảng 1300 cá thể Voọc chà vá Chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà, đây được coi là quần thể Voọc chà vá Chân nâu lớn và đẹp nhất từng được biết đến.
Với khảo sát này, GreenViet đã thiết kế 11 tuyến đường rừng, với tổng chiều dài 71,7 kilomet, tuyến được thiết lập ngẫu nhiên theo hướng Bắc – Nam qua các sinh cảnh sống của loài, mỗi tuyến cách nhau 1 km. Các tuyến khảo sát đã được tạo lập từ trước nhằm tránh những ảnh hưởng của quá trình lập tuyến đến kết quả nghiên cứu. Để có con số thống kê chính xác nhất, các cán bộ nghiên cứu của GreenViet đã tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp, cố gắng quan sát kỹ lưỡng, không bỏ sót hay đếm lặp lại bất cứ đàn Voọc nào trong tuyến đi rừng của mình.
Để nhận biết đàn Voọc, cán bộ nghiên cứu dựa vào dấu hiệu trực tiếp và dấu hiệu gián tiếp. Với dấu hiệu trực tiếp, sẽ có thể kiểm tra và ghi chép chính xác số lượng và cấu trúc đàn như giới tính, độ tuổi. Với các dấu hiệu gián tiếp như mẫu thức ăn (vết răng trên lá, quả) hoặc mẫu phân, mùi (nước tiểu, mùi cơ thể,…), cán bộ nghiên cứu có thể xác định được vùng phân bố của đàn.
Thông qua phương pháp khảo sát Distance Sampling (khảo sát theo tuyến, quan sát động vật, tính toán khoảng cách) và cách khoanh vùng phân bố của đàn thông qua các dấu hiệu, các cán bộ nghiên cứu đã thu được những số liệu cụ thể để đưa ra kết quả về số lượng, phân bố, mật độ Voọc có ở Bán đảo Sơn Trà hiện nay.
Khảo sát dự kiến diễn ra khoảng một tháng trong rừng Sơn Trà, các kết quả ban đầu cho thấy quần thể Voọc chà vá Chân nâu đang sinh trưởng trong môi trường thuận lợi, phân bố rộng rãi.
Anh Hoàng Quốc Huy, trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Quản lý dự án GreenViet, cho biết: “Với hiện trạng bảo vệ rừng rất tốt hiện nay thì mình rất tin tưởng là đàn Voọc tại đây đang phát triển rất tốt, vùng phân bố rộng. Ví dụ có thể thấy có nhiều đàn có con non mới, dấu hiệu bẫy trong rừng và người xâm nhập bất hợp pháp trong rừng cũng ít đi”.
Báo cáo kết quả khảo sát dự kiến sẽ ra mắt vào Quý III/2021. Với khảo sát quần thể này, GreenViet kỳ vọng vào những kết quả tốt sau khi tính toán và chính thức công bố. Báo cáo cũng sẽ cho thấy tình hình bảo vệ rừng hiện nay tại Sơn Trà đang được thực hiện nghiêm ngặt, công tác bảo tồn quần thể Voọc chà vá Chân nâu sau 4 năm hoạt động của GreenViet đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mong đợi.
Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” (gọi tắt là dự án “Quỹ bảo tồn”) nhằm thành lập Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam để vận động các nguồn tài trợ và nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội địa phương hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam. Dự án này do GreenViet (Việt Nam) và Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức) hợp tác thực hiện và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ.