Đà Nẵng, ngày 4 tháng 12 năm 2020 – Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Trung tâm GreenViet) tổ chức hội thảo Khởi động dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ.
Gói tài trợ lên đến hơn 15 tỷ đồng từ Liên Minh châu Âu tại Việt Nam này nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các tổ chức xã hội (CSOs) làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng và các tỉnh tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Dự kiến, dự án sẽ kéo dài 42 tháng, từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 12 năm 2023.
Ông Jesús Laviña, Phó Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, phát biểu: “Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hôm nay vui mừng có mặt tại buổi khởi động dự án nhằm thiết lập một nền tảng tài trợ cho bảo tồn đa dạng sinh học. Sự kiện được tổ chức vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn ra, và đại dịch này một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dự án này sẽ mang lại những kết quả cụ thể về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động hiệu quả của quỹ”.
“Chúng tôi tin tưởng với dự án này, các tổ chức CSOs sẽ có thêm động lực cũng như hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án thiết thực nhằm giúp chính quyền giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên”, ông Hà Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm GreenViet cho biết. Ông Long cũng chia sẻ thêm: “Giải quyết được vấn đề về nguồn tài chính, đồng thời nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý tài chính là cách hiệu quả để các tổ chức bảo tồn yên tâm cống hiến cho thành phố và khu vực.”
Các nội dung chính của gói tài trợ gồm có Thành lập nguồn quỹ tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cho 50 tổ chức, đoàn thể về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường, tài trợ cho 21 sáng kiến liên quan, đặc biệt thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và thúc đẩy chương trình hợp tác từ phía các doanh nghiệp và các cá nhân để tạo một nguồn tài chính bền vững cho các tổ chức CSOs hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững trong khu vực. Trong đó, các hoạt động tuần tra, giám sát, truyền thông giáo dục nhằm bảo vệ thành công quần thể Vọoc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà cũng là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của gói tài trợ này.
Bà Bùi Thị Minh Châu, đại diện tổ chức Gustav-Stresemann-Institut (GSI, CHLB Đức), đồng tài trợ và đồng thực hiện dự án khẳng định: “Dự án này đóng góp một sáng kiến độc đáo cho thành phố. Đó là nghiên cứu và xây dựng các cơ chế khả thi để doanh nghiệp, cộng đồng và du khách trong ngoài nước tham gia đóng góp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Sáng kiến này không chỉ giúp cho các tổ chức CSOs về bảo tồn có thêm nguồn tài chính đa dạng từ doanh nghiệp và cộng đồng, mà còn đề xuất một hướng đi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, các cá nhân và du khách được trực tiếp đóng góp bảo vệ môi trường theo cách bền vững hơn.”
Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được đóng góp ý kiến từ nhiều đại diện của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, cuối chương trình, đại diện Chi nhánh công ty Biti’s ở miền Trung đã tài trợ tượng trưng cho Trung tâm GreenViet một nguồn kinh phí lên đến 400 triệu đồng cho các hoạt động giáo dục bảo tồn thiên nhiên và trồng cây trong đô thị, thể hiện tinh thần hợp tác và hỗ trợ của doanh nghiệp địa phương cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên của thành phố Đà Nẵng.