Sáng ngày 10/2/2023, tại Hội thảo giới thiệu Dự án, đại diện các bên liên quan đã cùng ký cam kết thực hiện Dự án Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Dự án do Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình (QBWDF) thực hiện trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2023 với mục đích góp phần khôi phục giống cây sa sâm bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường bền vững tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Tham gia hội thảo có đại diện gần 100 người từ các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và địa phương, như Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo UBND xã Hải Ninh, v.v…
Qua buổi Hội thảo, đại diện Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình đã ký kết với các bên để thực hiện dự án nhằm xây dựng mô hình, gồm UBND Xã Hải Ninh để thực hiện hoạt động, công ty cổ phần An Nông để phân phối và quảng cáo các sản phẩm sau mô hình, và chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ dự án.
Theo đó, Dự án Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa do Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua Dự án “”Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam”, gọi tắt là “Quỹ bảo tồn”. Và Dự án Qũy bảo tồn do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav – Stresemann (GSI, Đức) phối hợp thực hiện.
Thông tin thêm về dự án:
Sa Sâm là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao. Sa Sâm có tên khoa học là Launaea Sarmentosa, còn gọi là sâm cát hay là rau chân vịt, là loài cây bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình. Đã có hơn 1.485 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học về giá trị Sa Sâm Việt, đặc biệt Sa Sâm có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Được biết, ở xã Hải Ninh, Sa Sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn. Hiện Sa Sâm đang bị khai thác quá mức vì nhu cầu thị trường cao, hơn nữa, người dân vẫn chưa có ý thức và hành vi cụ thể về bảo vệ đa dạng sinh học, chính quyền địa phương còn đang thiếu kinh nghiệm để bảo tồn loài cây này. Do vậy, người dân và chính quyền mong muốn có mô hình quản lý phù hợp để bảo tồn cây Sa Sâm bản địa, làm tăng giá trị của Sa Sâm Quảng Bình, góp phần nâng cao đời sống của người dân, bảo vệ đa dạng sinh học.
QBWDF là một tổ chức xã hội địa phương, có nhiều năm kinh nghiệm gắn kết với cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và ổn định đời sống xã hội. Thông qua quá trình khảo sát, đánh giá nhanh nhu cầu của phụ nữ tại địa phương, Quỹ đề xuất mô hình này dựa trên ý kiến của phụ nữ và người dân trong cộng đồng với mong muốn tạo cơ hội cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, chung tay bảo vệ môi trường bền vững. Dự án sẽ thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2, sau đó hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm tại hộ gia đình trên 800m2, kết hợp thăm dò thị trường đầu ra; tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả thí điểm, rút kinh nghiệm để mở rộng diện tích trồng trên 1.500m2 sau đó nhân ra thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến để tạo tính bền vững của mô hình. Dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%.