Mô hình “Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” là 1 trong 5 đề xuất nhận hỗ trợ tài chính từ Chương trình huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại TP. Đà Nẵng, Việt Nam (Dự án Quỹ bảo tồn) do Trung tâm GreenViet (Việt Nam) và Viện Gustav-Stresemann (GSI) Đức hợp tác thực hiện và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ.
Sa Sâm là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao. Sa sâm có tên khoa học là Launaea Sarmentosa, còn gọi là sâm cát hay là rau chân vịt, là loài cây bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình. Đã có hơn 1.485 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học về giá trị Sa sâm Việt, đặc biệt Sa Sâm có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ở xã Hải Ninh, Sa Sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn.
Qua quá trình khảo sát, đánh giá nhu cầu, Dự án cùng với Hội LHPN tỉnh đã thành lập một tổ hợp tác với thành viên là phụ nữ trong các hộ gia đình, nhằm giúp cho bà con hình thành một mô hình bảo tồn và phát triển cây sa sâm, để có sản phẩm sạch, hữu cơ, mang đậm đặc trưng của địa phương, phát triển theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho bà con, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của người phụ nữ trên vùng đất cát Hải Ninh.
Dự án đã thành lập tổ hợp tác với 35 thành viên ban đầu, tiến hành thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2, sau đó hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm tại các hộ gia đình trên 800m2. Đến nay, các vườn trồng thí điểm đã có những đợt thu hoạch đầu tiên, bán ra thị trường theo chuỗi giá trị mang lại thu nhập ban đầu cho bà con, đồng thời đảm bảo nguồn cây giống cho các hộ trong địa phương phát triển thêm các vườn sa sâm mới.
Dự án đã hỗ trợ đăng ký bộ nhận diện thương hiệu, nhãn mác sản phẩm cho bà con, đồng thời đăng ký sản phẩm theo chuẩn VietGap nhằm đảm bảo giá trị của sản phẩm. Thương hiệu “Sa sâm Hải Ninh” đã bắt đầu ra mắt người tiêu dùng, được bảo hộ theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, do tổ hợp tác giám sát và hỗ trợ tư vấn chất lượng, công ty An Nông và các doanh nghiệp khác trên địa bàn kết nối bán sản phẩm ra thị trường để giới thiệu đặc sản của địa phương.
Dự án cũng tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ cho bà con để mở rộng diện tích trồng trên 1.500m2 sau đó nhân ra thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến để tạo tính bền vững của mô hình. Dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%.
Cùng điểm qua một số hoạt động của Mô hình bảo tồn cây Sa Sâm bản địa kể từ khi được “khai sinh” vào ngày 10/02/2023 đến tháng 6/2023:
Với mức giá trên thị trường khoảng 50.000 đồng/kg lá, 4-5 triệu đồng/kg củ, việc kết nối, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là yếu tố rất quan trọng để phát triển cây sa sâm. Trước mắt, mô hình tiến hành kết nối với các cửa hàng nông sản sạch, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường sang các tỉnh, xây dựng hệ thống bán sỉ và đại lý, đa dạng thành các chế phẩm như trà túi lọc, bột dinh dưỡng… Đây là những giải pháp hữu hiệu, dài hơi, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp người dân yên tâm phát triển cây sa sâm và tạo tính bền vững sau khi dự án kết thúc.-Nguồn: báo Quảng Bình
Giá trị cộng thêm từ Dự án:
Tại các xã ven biển bãi ngang, phụ nữ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ việc ra khơi đánh bắt cá của chồng, nên có thời gian rảnh rỗi một số chị em phụ nữ nảy sinh các vấn đề tệ nạn xã hội như đánh bài, hụi họ… ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội. Khi Quỹ triển khai thực hiện dự án trồng Sa Sâm tại đây sẽ góp phần tạo việc làm tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho phụ nữ-là một trong những đối tượng yếu thế, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; hạn chế áp lực sinh con trai để đi biển; hạn chế tình trạng trẻ em trai phải bỏ học sớm để theo bố đi biển đánh bắt cá.
Hội LHPN xã tham gia chủ động và tích cực từ khâu lập kế hoạch, thực hiện hoạt động, theo dõi giám sát và tổng kết đánh giá, đồng thời tiếp tục duy trì kết quả của dự án về sau này. Việc thu hút nam giới trong các hoạt động mà tổ chức phụ nữ có vai trò chủ đạo đã góp phần cải thiện quan hệ quyền lực giữa nữ và nam, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới về thực chất.
Người dân xã Hải Ninh là những người bỏ công sức trồng Sa Sâm sẽ là những người được hưởng thành quả, tăng thu nhập từ Sa Sâm. Bảo tồn giống cây bản địa, đa dạng hóa các loại rau sạch, cây dược liệu, thay đổi cơ cấu cây trồng góp phần thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất cát là một trong những chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp liên doanh, liên kết, huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thông tin thêm về Dự án Quỹ Bảo tồn
Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” – gọi tắt là Dự án Quỹ Bảo tồn, nhằm thiết lập một nguồn Quỹ bền vững cho các tổ chức xã hội địa phương (CSO) hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại miền Trung và Tây Nguyên. Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) với sự phối hợp của viện Gustav-Stresemann-Institut e.V. (GSI, Đức) và do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ.
Tính đến thời điểm hiện tại Dự án quỹ Bảo tồn đã tài trợ cho: 09 dự án nhỏ được tài trợ qua ngân sách của dự án (từ nhà tài trợ là Phái đoàn Liên minh Châu Âu Tại Việt Nam); 09 dự án trồng cây, nhặt rác và nâng cao nhận thức được tài trợ thông qua nguồn quỹ huy động được từ doanh nghiệp
Dự án hi vọng rằng, các mô hình thực tiễn tốt nhất và câu chuyện thành công của các Dự án được nhận gói tài trợ nhỏ sẽ thúc đẩy các khu vực khác ở Việt Nam tái tạo tốt hơn mô hình của Dự án. Hiệu ứng cấp số nhân sẽ đạt được bằng cách thúc đẩy tất cả người tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các tổ chức/ đội nhóm khác.
Nhờ vào Dự án, nguồn tài chính cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sẽ được thành lập và dự kiến sẽ hoạt động độc lập, hiệu quả. Nguồn tài chính sẽ tiếp tục cải thiện không chỉ năng lực tài chính của CSOs địa phương, mà cả kỹ năng quản lý tài chính và quản lý dự án của họ. Bên cạnh đó, Dự án sẽ tăng quyền sở hữu cho địa phương để khuyến khích các sáng kiến của CSOs địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, và cuối cùng là cải thiện tính bền vững của Dự án được triển khai.