Ngày 19/7 vừa qua, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EUD) cùng với Ban quản lý dự án Quỹ bảo tồn đã có chuyến đi thực tế đến Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CCRD) tại Huế. CCRD là một trong bốn Tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính của dự án Quỹ bảo tồn trong Gói tài trợ số 1 với dự án “Tăng cường quan hệ đối tác trong việc thúc đẩy phát triển các mô hình không gian công cộng sinh thái ở TP.Huế (bao gồm cả khu vực mở rộng) nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường”.
Trong buổi sáng 19/7, EUD và Ban quản lý dự án Qũy bảo tồn đã có cuộc gặp gỡ t trao đổi ngắn với đội ngũ quản lý CCRD để hiểu hơn về tổ chức, những dự án và mục tiêu CCRD đang thực hiện cũng như những tâm tư nguyện vọng của những “chiến binh” trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn.
Buổi chiều cùng ngày , EUD đã có dịp tham gia chương trình Tập huấn “Cách thức vận hành, quản lý và duy trì không gian công cộng sinh thái tại Hội trường nhà văn hóa phường Hương Vinh, tp.Huế do CCRD phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tổ chức.
Tham dự chương trình tập huấn có: Đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet, Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức), Doanh nghiệp Think Playgrounds (TPG), đại diện Hội phụ nữ thành phố Huế, đại biểu từ 03 mô hình không gian công cộng sinh thái, 12 đại biểu đại diện cho 12 “điểm xanh văn hoá” và các vị khách mời khác.
Mục đích của buổi tập huấn nhằm giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về không gian công cộng sinh thái cũng như nâng cao năng lực trong công tác xây dựng và quản lý mô hình không gian công cộng.
Nội dung của chương trình tập huấn bao gồm ba chủ đề chính; chủ đề một: Không gian công cộng sinh thái (chuyên gia sinh thái Nguyễn Hoàng Hào); Chủ đề hai: Chia sẻ về cách thức vận hành và quản lý không gian công cộng xanh tại Hà Nội (đại diện TPG chị Trần Thu Trang); Chủ đề ba: Xây dựng kế hoạch duy trì các không gian công cộng (TPG &CCRD)
Ông Cao Nguyên- Chủ tịch UBMTTQVN: Hi vọng các mô hình không gian công cộng được triển khai có hiệu quả để thực hiện các điểm xanh văn hóa của thành phố theo nghị quyết đã đề ra. Bên cạnh đó, các mô hình sẽ đón nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ các nhà tài trợ.
Phát biểu tại chương trình tập huấn ông Lê Thanh (đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam) cho biết: “ Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EU) là đối tác quốc tế hàng đầu thế giới về chuyển đổi xanh (Green Transition). Ngay từ năm 2020, EU đã thông qua Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EU Green Deal) – đây là một tập hợp các sáng kiến chính sách của EU, nhằm biến Châu Âu thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mức trung hòa khí hậu vào năm 2050. Trên tinh thần đó, EU cũng cam kết hỗ trợ các quốc gia đối tác trong quá trình chuyển đổi xanh của chính họ.
Bên cạnh chính sách chung này, EU còn có những chiến lược rất cụ thể để hiện thực hóa tham vọng XANH của mình. Tôi nói ví dụ về: Chiến lược của EU đối với đa dạng sinh thái hay Chiến lược của EU có tiêu đề “từ trang trại tới bàn ăn”. Mục tiêu của chiến lược đa dạng sinh thái là bảo vệ thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái toàn cầu. Mục tiêu của chiến lược từ trang trại tới bàn ăn là tạo dựng hệ thống thực phẩm công bằng; an toàn; và thân thiện với môi trường.
Nhiệm vụ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu chúng tôi là hỗ trợ việc triển khai các chính sách và chiến lược của EU trên cơ sở sự nhất trí của các quốc gia đối tác, trong đó có VN. Thông qua các chương trình, dự án viện trợ, chúng tôi giúp đỡ các đối tác ngoài công lập, bao gồm cả các đoàn thể xã hội và các sáng kiến cộng đồng, để họ đóng góp cho việc thực thi các chính sách của Nhà nước ở cấp cơ sở một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, các chương trình và dự án cũng mở ra cơ hội để tâm tư nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân được chuyển tới các cơ quan chức năng có liên quan.

Chương trình tập huấn đã diễn ra vô cùng sôi nổi với phần thảo luận của các đại biểu. Tại đây, họ cũng cơ hội trình bày thuận lợi và khó khăn trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Đại diện Hội phụ nữ thành phố đã chia sẻ: mô hình ra đời được góp nhặt công sức của cả cộng đồng, tuy nhiên các cơ sở vật chất sẽ hỏng và câu hỏi đặt ra là làm sao các mô hình đó luôn đẹp theo thời gian. Hơn nữa, sự chung tay của các mạnh thường quân là rất cần thiết là động lực về tinh thần và vật chất cho những người thực hiện.
Đồng chí Phan Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND Hương Phong cho biết: mô hình còn là điểm vui chơi cho nhân dân.Hiện nay, khó khăn nhất là công tác vận hành mô hình tức là chưa đạt được sự thống nhất giữa chính quyền và nhân dân về các vấn đề như trồng cây gì hay nuôi con gì. Bên cạnh đó, vấn đề kích cầu, đối ứng có hạn. Đối với xã Hương Phong có không gian điểm xanh hơn 1000m2 tổ chức dọn vệ sinh mỗi tháng một lần, xin cây thay thế khi cây chết.
Cuối chương trình tập huấn các khách mời và đại biểu cùng tham gia trồng cây quanh khu vực nhà văn hóa phường Hương Vinh.
Tính đến nay dự án Qũy bảo tồn đã đi được 2/3 chặng đường với nhiều hoạt động ý nghĩa mang đến cho cộng đồng trong công tác bảo tồn. Ngoài tổ chức xã hội CCRD tại Huế,Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ban quản lý dự án còn đến thăm tổ chức C&E và CLB DIM tại Đà Nẵng. Chuyến đi được xem như sự quan tâm sát sao và khảo sát tình hình thực tế từ phía Nhà tài trợ EUD và Ban quản lý dự án đối với các đơn vị nhận gói tài trợ từ dự án Quỹ bảo tồn.