Trong 2 ngày 24&25/02 vừa qua, GreenViet phối hợp cùng viện GSI tổ chức chương trình tập huấn về “Quản lý dự án và quản lý tài chính gói tài trợ nhỏ” cho các tổ chức nhận tài trợ từ dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng Sinh học và bảo vệ Môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng” do phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm GreenViet sẽ quản lý dự án và triển khai hiệu quả dự án.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các hội KH&KT Đà Nẵng; Trung tâm GreenViet, Viện GSI (Hans Georg Billy Born); Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CCRD), TP.Huế; Câu lạc bộ truyền thông môi trường (DIM), Đại học sự phạm Đà Nẵng; Tổ hợp tác Café Xary 2, tỉnh Quảng Trị; Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E), TP. Hà Nội.
Theo đó chương trình được tổ chức trong hai ngày với hai hình thức online và offline. Ngày thứ nhất tập huấn về quản lý dự án, các đơn vị tài trợ phụ giới thiệu về dự án và kế hoạch làm việc cùng với đó tất cả mọi người sẽ tham gia thảo luận nhóm chia sẻ kinh nghiệm, bài học và các đề xuất mong đợi. Ngày thứ hai tập huấn quản lý tài chính gồm các quy định và biểu mẫu liên quan đến quản lý tài chính dự án theo quy định của Luật Việt Nam và các quy định của Trung tâm GreenViet cũng như Liên minh Châu Âu.
Phát biểu tại buổi tập huấn Ông Nguyễn Đình Phúc (Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tp Đà Nẵng) nhấn mạnh rằng: Bên cạnh Quản lý dự án nhằm đảm bảo đạt mục tiêu, đúng tiến độ. Thì việc quản lý tài chính của các dự án nhỏ một mặt phải tuân thủ các quy định của địa phương (các yêu cầu về thuế và kế toán của Việt Nam), đồng thời mặt khác phải tuân thủ theo các tiêu chí của Liên minh Châu Âu về gói tài trợ là vô cùng quan trọng.
Khóa tập huấn này không những giúp các đơn vị nhận tài trợ quản lý và triển khai hiệu quả về cả kỹ thuật và tài chính gói tài trợ nhỏ mà còn là một cơ hội nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, đặc biệt đối với các tổ chức và các bạn trẻ. Bởi hai mục tiêu quan trọng của dự án một là thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội địa phương ở TP. Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong việc giải quyết các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững. Hai là nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội địa phương, đặc biệt là các tổ chức xã hội và các tổ chức cơ sở hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững.
Chị Lương Ngọc Trâm-Đại diện Tổ hợp tác Café Xary 2 chia sẻ: Những gì được đào tạo trong hai ngày vừa qua thật sự vô cùng bổ ích. Với dự án Cà phê vườn rừng tại Tây Trường Sơn, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, tại đây mình đã có cơ hội giải bày những băn khoăn và nguyện vọng của người thực hiện dự án và đã được các chuyên gia hỗ trợ nhiệt tình.
Bạn Trương Công Thành (Sinh viên năm 3, Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng): Mình rất vinh dự khi được đại diện câu lạc bộ truyền thông môi trường (DIM) tham gia chương trình tập huấn này. Đây là một cơ hội để mình học tập trau dồi các kĩ năng cần thiết cho các dự án sắp tới cũng như thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với cộng đồng.
Xuyên suốt chương trình, các đơn vị đã tích cực thảo luận đặt ra các vấn đề để được các chuyên gia giải đáp. Bên cạnh đó những tâm tư nguyện vọng của nhà tài trợ, ban tổ chức cũng như của các đơn vị cũng được chia sẻ một cách thẳng thắng với mong muốn sẽ đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai dự án.
Đến từ nhiều vùng đất khác nhau, mỗi một đơn vị tham gia đều mang đến một câu chuyện riêng nhưng đều có một thông điệp chung là nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Hi vọng rằng khi các dự án ra đời sẽ nhận được sự chung tay của cả cộng đồng.