Gói hỗ trợ tài chính cho các tổ chức xã hội là một hợp phần quan trọng nằm trong dự án “Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và triển khai khởi trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet, phối hợp cùng tổ chức GSI. Gói hỗ trợ tài chính số 2 năm 2022 đã chính thức được công bố và đem đến cơ hội củng cố tài chính cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Ngày 26/04 vừa qua, Ban điều phối dự án đã tổ chức thành công Phiên thảo luận, giải đáp thông tin về Gói hỗ trợ tài chính số 2 năm 2022 thông qua nền tảng Zoom Meeting. Phiên giải đáp có sự tham gia của các tham vấn viên từ phía dự án cùng 22 đại biểu đến từ nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Dưới đây là phần Q&A đã được tổng hợp và giải đáp:
Q1: Dự án ưu tiên các tổ chức có hợp tác với Doanh nghiệp và Cơ quan nhà nước có nghĩa là hợp tác trong việc nộp đề xuất dự án hay chỉ cần trong quá trình thực hiện dự án có sự phối hợp với chính quyền địa phương.
A1: Cả hai hình thức trên đều được. Tùy vào khâu phát triển ý tưởng dự án và thiết kế dự án, dự án có thể huy động sự tham gia của các đối tác ở địa phương từ lúc lên ý tưởng, đồng nộp dự án, và/hoặc thực hiện dự án.
Q2: Giáo viên trường ĐH hoặc những người đang làm trong trường ĐH được hưởng lương từ cơ quan nhà nước thì chi phí trả lương cho những người này coi như không hợp lệ. Nếu muốn hợp lệ thì cần xin giấy phép của đơn vị, vậy nội dung giấy xin phép là gì trong khi luật viên chức cho phép cán bộ được làm việc bên ngoài.
A2: Trong proposal của dự án có ghi rõ sẽ không chi trả tiền công và tiền lương cho các bộ cơ quan công quyền (cơ quan nhận nguồn lương từ ngân sách nhà nước) và của doanh nghiệp. Đối với trường Đại học không có nguồn lương từ ngân sách nhà nước thì giảng viên được tham gia hoạt động của dự án với yêu cầu có giấy xác nhận đồng ý tham gia của trường trong thời gian thực hiện dự án.
Q3: Trong quá trình thực hiện dự án cần thuê chuyên gia để thực hiện, những chuyên gia này có thể được chỉ định hay có hồ sơ cạnh tranh và các thủ tục ký hợp đồng với chuyên gia như thế nào?
A3: Tất cả hoạt động của dự án sẽ tuân theo quy định của EU và pháp luật Việt Nam. Tùy vào mức ngân sách của gói hợp đồng thuê chuyên gia mà tổ chức chỉ định chuyên gia hay tổ chức gọi thầu. Trước khi dự án được thực hiện chúng tôi sẽ tổ chức khóa tập huấn cho các đơn vị được nhận tài trợ và về vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày trong lớp tập huấn đó.
Q4: Thành viên ban quản lý dự án sẽ bao nhiêu người với dự án quy mô nhỏ tầm 441-490 triệu?
A4: Thành viên ban quản lý dự án sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là thiết kế của dự án cần bao nhiêu nhân sự và phụ trách những nhiệm vụ nào. Hai là % tối đa ngân sách chi cho nhân sự không được vượt mức tối đa cho phép.
Q5: Một trong những yếu tố được lựa chọn trong Viết đề xuất dự án là Mục tiêu và Kết quả đạt được. Vậy có bắt buộc đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra hay không hay chỉ cần đạt được một vài mục tiêu đã đề ra với quy mô dự án nhỏ.
A5:
- Khi thiết lập mục tiêu dự án, nên đảm bảo quy tắc SMART nhằm giúp cho mục tiêu dự án rõ ràng cụ thể hơn (Specific: rõ ràng; Measurable: có thể đo đếm được; Achievement: có thể đạt được; Realistic: phải thực tế và Timeline: mục tiêu cần có mốc thời gian đạt được).
- Không nên thiết lập quá nhiều mục tiêu, một khi đã đề ra các mục tiêu trong dự án thì các mục tiêu đều phải đạt được vào cuối dự án. Cần phân biệt rõ Mục đích dự án và Mục tiêu dự án. Mục đích dự án thường lớn, trong đó các kết quả đầu ra của dự án chỉ góp phần đóng góp để đạt được mục đích. Còn mục tiêu của dự án là những kết quả cần đạt được trong dự án.
Q6: Trường ĐH Vinh có trung tâm tư vấn Pháp luật, thực hiện dự án chủ yếu nâng cao nhận thức pháp luật, ở một cộng đồng nào đó tại một khu vực nào đó. Như vậy có hợp lệ hay không hay phải đạt được tất cả mục tiêu dự án yêu cầu.
A6: Mỗi dự án khi thiết kế sẽ đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong vòng đời dự án. Dự án chỉ cần đạt được các mục tiêu cụ thể đó, và đóng góp vào mục đích rộng lớn hơn của dự án.
Q7: Ngoài các nguồn hỗ trợ từ GSI hiện có 5 đề xuất dự án thì IUCN có các slot nào khác không?
A7: IUCN thông qua VB4E sẽ tham gia với tư cách là ban cố vấn với các hoạt động hỗ trợ tham vấn kỹ thuật, chấm chọn, đánh giá các đề xuất nộp lên để đảm bảo đúng quy trình và tính khách quan để chọn được những hồ sơ xứng đáng nhất. IUCN hiện không có chương trình nào để cung cấp thêm các gói tài trợ nhỏ cho các tổ chức xã hội. VB4E sẽ hỗ trợ các tổ chức đã nhận được tài trợ của dự án Quỹ bảo tồn để tiếp tục kết nối và huy động thêm nguồn lực bên ngoài cho các tổ chức xã hội.
Q8: Những quy định về khung thời gian thực hiện thành công dự án? (từ ngày nộp đề xuất chờ ký kết đến khi kết thúc dự án)
A8: Tham khảo Phần phụ lục A của Hướng dẫn nộp đề xuất. Một dự án tài trợ phụ sẽ kéo dài không quá 10 tháng. Theo kinh nghiệm, cần thời gian từ 1-2 tháng để hai bên thảo luận, giải quyết các vấn đề vướng mắc và đi đến ký kết hợp đồng. Vì vậy các đơn vị cần thiết kế khung kế hoạch hành động trễ sau 1-2 tháng để có thời gian cho việc thương thảo hoàn thiện hợp đồng.
Q9: Tổ chức CSOs là những tổ chức như thế nào?
A9: Theo định nghĩa của EU: Quy định DCI số 233/2014, các tổ chức xã hội (CSO) được định nghĩa như sau:
CSO là các tổ chức phi lợi nhuận, không thuộc Nhà nước, hoạt động trên cơ sở độc lập và có trách nhiệm giải trình, bao gồm: các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức đại diện cho người bản địa, các tổ chức đại diện cho quốc gia và/hoặc các dân tộc thiểu số, các tổ chức cộng đồng, tổ chức của người di cư ở các nước đối tác, hiệp hội thương nhân và nhóm công dân địa phương, hợp tác xã, hiệp hội người sử dụng lao động và công đoàn, tổ chức đại diện cho lợi ích kinh tế và xã hội, tổ chức chống tham nhũng và gian lận và thúc đẩy quản trị tốt, tổ chức thúc đẩy quyền công dân và tổ chức chống phân biệt đối xử, các tổ chức địa phương (các mạng lưới) tham gia vào hợp tác và hội nhập khu vực phi tập trung các tổ chức phụ nữ và thanh niên, các tổ chức môi trường, giảng dạy, văn hóa, nghiên cứu và khoa học, các trường đại học, nhà thờ và hiệp hội tôn giáo và cộng đồng, các tổ chức truyền thông, và bất kỳ hiệp hội phi chính phủ nào và các tổ chức độc lập, bao gồm các tổ chức chính trị độc lập, có khả năng đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Quy định này.
Q10: Chi phí nhân sự ( nhân viên), thuê văn phòng, thuê hội trường, v.v…
Xem Mục 2.1.4 trong Phụ lục A (Chi phí hợp lệ)
Q11: Để có thể nhận Gói hỗ trợ tài chính của Dự án Quỹ bảo tồn thì CLB cần hoàn thành những điều kiện nào?
A: Xem Mục 2.1.1 (Điều kiện hợp lệ với bên nộp đề xuất) và 2.1.3 (Các dự án hợp lệ) trong Phụ lục A.
Q12: Quỹ Bảo tồn ưu tiên về các vấn đề, lĩnh vực nào? xin cho ví dụ cụ thể vài vấn đề, lĩnh vực liên quan
A: Xem Mục 1.2 (Mục tiêu và kết quả mong đợi của hoạt động kêu gọi đề xuất) trong Phụ lục A.
Các lĩnh vực ưu tiên là: bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và môi trường bền vững.